Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

TS Lê Xuân Nghĩa: "Nên từ bỏ giấc mơ trở thành một cường quốc công nghiệp”


TS Lê Xuân Nghĩa: "Nên từ bỏ giấc mơ trở thành một cường quốc công nghiệp”


Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Việt Nam nên từ bỏ giấc mơ trở thành cường quốc công nghiệp và chuyển sang phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch. Nhưng trở về nông nghiệp, nông dân nên thay đổi suy nghĩ găm giữ đất đai với nhiều thửa ruộng phân tán.

Cường quốc công nghiệp còn xa vời
Trước sức ép cuộc cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với nền kinh tế Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia - TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng người dân nên bỏ giấc mơ Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp. Thay vào đó, ông Nghĩa nghĩ tới việc đất nước trở thành cường quốc nông nghiệp và du lịch.
“Tôi không mấy trông cậy vào việc Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc công nghiệp. Chuyện đó có vẻ xa vời lắm. Nhưng rất có thể Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc về nông phẩm, nông phẩm chế biến và du lịch” – TS Lê Xuân Nghĩa nói.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm xuất hiện những robot với chi phí làm việc mỗi giờ thấp hơn 1/3 so với giá nhân công hiện tại. Điều này sẽ khiến đô thị hóa và việc kéo người lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp trong tương lai gặp rất nhiều khó khăn. Hy vọng lớn của ông Nghĩa là Việt Nam trở thành một cường quốc về nông nghiệp và du lịch với lợi thế không còn bàn cãi về nông sản nhiệt đới và di sản thiên nhiên kỳ vĩ.
Ám ảnh với nông nghiệp
Trăn trở với ngành nông nghiệp Việt Nam, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng điểm nghẽn lớn nhất hiện nay chính là tư duy của nhà quản lý. Theo ông, người quản lý còn bị ám ảnh quá nặng nề về quyền sử dụng đất đai với tư duy “người cày có ruộng”.
Không chỉ kìm hãm việc chuyển nhượng đất nông nghiệp, tư duy cũ đang khiến đất đai không được vốn hóa. Đất đai dù có rộng lớn đến bao nhiêu cũng không thể đem thế chấp để vay một khoản tiền lớn từ ngân hàng. Doanh nghiệp thiếu vốn để mở rộng sản xuất và tạo điều kiện cho chế biến sâu. Ngân hàng thì không thể định giá đất cao hơn vì Nhà nước chỉ coi đó là tư liệu sản xuất.
“Những người quản lý vẫn coi đất đai là tư liệu sản xuất. Khi nông nghiệp hướng đến giá trị cao thì phải coi đất đai là một yếu tố đầu vào của sản xuất. Tiền sử dụng đất đai phải được hạch toán vào quá trình sản xuất và vốn hóa bằng tài chính. Trong khi chưa coi đất đai là yếu tố đầu vào thì nó đang bị sử dụng một cách lãng phí, thậm chí bỏ ruộng” – ông Hoàng Trọng Thủy chia sẻ.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy đánh giá ngân hàng đất đai sẽ là một giải pháp nhằm tránh việc đất đai không được sử dụng hiệu quả. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong việc thành lập ngân hàng đất đai cũng có nguyên nhân từ chính người nông dân. Người nông dân ly hương nhưng vẫn giữ đất nông nghiệp, coi đó như cuốn “sổ bảo hiểm” cho gia đình.
Nếu người nông dân thay đổi được suy nghĩ và cho người khác “vay đất” khi không sử dụng thì vấn đề dồn điền đổi thửa phải được giải quyết trước. Bởi lẽ ngân hàng đất đai không dám thuê đất khi mỗi nông hộ có tới 3-5 mảnh ruộng. Ngân hàng cũng không thể chắc chắn rằng người nông dân sẽ nhận được đúng mảnh ruộng của mình khi họ yêu cầu.
Tất nhiên, nút thắt trước tiên cần phải tháo gỡ là tư duy con người. Với TS Lê Xuân Nghĩa, người dân Việt Nam cần từ bỏ giấc mơ công nghiệp và chuyển sang phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch. Nhưng trở về nông nghiệp, nông dân phải thay đổi suy nghĩ găm giữ đất đai với nhiều thửa ruộng phân tán. Bằng không kinh tế Việt Nam vẫn loay hoay trên con đường phát triển.
Vương Diệu Quân
Theo Trí thức trẻ

Không có nhận xét nào: