Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

Loạt dự án ngàn tỷ thua lỗ của PVN thời ông Đinh La Thăng làm chủ tịch; Liệu Đinh La Thăng có bị tổng Trọng xử theo đúng quy trình?

UB Kiểm tra TƯ vừa đề nghị Bộ Chính trị, Ban chấp hành TƯ xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng theo thẩm quyền. Trong báo cáo của UB Kiểm tra đã nhắc đến những dự án đầu tư thua lỗ của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) giai đoạn 2009-2011 khi ông Đinh La Thăng giữ vai trò Chủ tịch.

Bí thư thành ủy TPHCM, ông Đinh La Thăng, ảnh minh họa chụp trước đây tại Hà Nội.

PVC thời Trịnh Xuân Thanh

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra Ban Thường vụ Đảng ủy PVN giai đoạn 2009 - 2015 đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; Chấp hành không nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng trong việc kiểm điểm trách nhiệm để Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thua lỗ nghiêm trọng.

Tính đến hết tháng 6/2013, dưới thời Trịnh Xuân Thanh (Trịnh Xuân Thanh được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐQT PVC năm 2009), tình hình sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của PVC cực kỳ khó khăn. Tổng doanh thu của riêng công ty mẹ chỉ vỏn vẹn hơn 510 tỷ đồng, trong khi lỗ lũy kế tính đến thời điểm 31/6/2013 lên tới hơn 4.212 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế hợp nhất của toàn công ty lên tới 3.274 tỷ đồng.

Tính đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 12 đối tượng về hành vi Cố ý làm trái quy định... và tham ô tài sản, liên quan đến vụ thua lỗ và thất thoát gần 3.300 tỷ đồng xảy ra tại Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn đi nước ngoài và bị truy nã quốc tế.

Mất 800 tỷ vào OceanBank

Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng điểm mặt trách nhiệm của dàn lãnh đạo PVN thời kỳ trước khi góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của luật Các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho PVN.

Với mục tiêu xây dựng một tập đoàn đa lĩnh vực, năm 2008, PVN bắt đầu đầu tư vào Oceanbank.

Cụ thể PVN là cổ đông chiến lược với 20% cổ phần tại Oceanbank. Nhưng với sự sụp đổ của Oceanbank cùng vụ án Hà Văn Thắm, việc góp vốn vào OceanBank đã khiến PVN mất trắng 800 tỷ đồng. OceanBank bị liệt vào dạng ngân hàng yếu kém phải tái cơ cấu và Ngân hàng Nhà nước đã mua lại ngân hàng này với giá 0 đồng.

Ngày 8/3, Tòa án Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).

Một trong những lý do được nêu ra trong quyết định trả hồ sơ là liên quan đến số tiền thất thoát 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Dự án xơ sợi Đình Vũ – Hải Phòng đắp chiếu

Đinh La Thăng, dự án nghìn tỷ, dự án thua lỗ, trịnh xuân thanh
Dự án xơ sợi Đình Vũ – Hải Phòng của PVN thua lỗ nằm đắp chiếu. Ảnh: L.Bằng
Một loạt dự án nghìn tỷ được phê duyệt dưới thời ông Đinh La Thăng làm lãnh đạo PVN đến nay phải lâm cảnh thua lỗ, đắp chiếu, dừng hoạt động, có dự án đầu tư dở dang.

Cụ thể Ủy ban kiểm tra Trung ương điểm mặt dự án xơ sợi Đình Vũ – Hải Phòng và các dự án nhiên liệu sinh học.

Dự án xơ sợi Đình Vũ – Hải Phòng được đầu tư năm 2008. Theo Thanh tra Chính phủ, kết quả sản xuất của dự án xơ sợi Đình Vũ từ chạy thử đến khi chính thức hoạt động đều liên tục lỗ. Cụ thể, năm 2012 lỗ hơn 21 tỷ đồng; năm 2013 lỗ 366 tỷ đồng và năm 2014 lỗ 1.085 tỷ đồng. Tổng số lỗ trong 3 năm là 1.472 tỷ đồng. Còn tổng số lỗ tính đến ngày 31/3/2015 đã lên tới 1.732 tỷ đồng.

Do lỗ nặng nên nhà máy chạy phập phù và nhiều lần phải 'đắp chiếu', đến cuối năm 2015 thì dừng hẳn.

Việc thua lỗ tại dự án này có phần trách nhiệm của Vũ Đình Duy – người tự ý đi nước ngoài vào cuối năm ngoái, đến nay vẫn mất hút. Ông Vũ Đình Duy được giao trọng trách là Tổng giám đốc từ tháng 7/2009. Đến tháng 2/2014 Vũ Đình Duy rời chức vụ này và được bổ nhiệm ở nhiều chức vụ khác, để lại nhà máy 7.000 tỷ nằm chết dí vì thua lỗ.

Đây là 1 trong 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương đang lên phương án xử lý. Hiện nay đã có một nhà đầu tư Singapore để mắt và đề nghị hợp tác trong việc vận hành trở lại nhà máy xơ sợi này.

Loạt dự án nhiên liệu sinh học dang dở

Trong số 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả, đầu tư dở dang, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam “đóng góp” rất nhiều dự án. Ngoài dự án xơ sợi Đình Vũ - Hải Phòng, 3 dự án nhiên liệu sinh học đang gặp khó khăn là ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi), dự án Ethanol Phú Thọ, Ethanol Bình Phước.

Đinh La Thăng, dự án nghìn tỷ, dự án thua lỗ, trịnh xuân thanh
Dự án ethanol Phú Thọ nằm đắp chiếu khi chưa đang đầu tư dang dở. Ảnh: L.Bằng
Mỗi dự án có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, cái thì dở dang, cái thì đang “chết lâm sàng”.

Từ tháng 10/2007 đến tháng 3/2009, PVN đã quyết định chủ trương đầu tư, chỉ đạo các đơn vị thành viên góp vốn thành lập 2 công ty cổ phần và 1 công ty liên danh để thực hiện đầu tư 3 dự án sản xuất ethanol nhiên liệu tại 3 miền gồm: Nhà máy nhiên liệu sinh học tại Phú Thọ, Khu kinh tế Dung Quất - Quảng Ngãi và tại Bình Phước. Mỗi nhà máy có công suất 100 triệu lít/năm, nguồn vốn đầu tư do các cổ đông góp 30% và 70% phải đi vay ngân hàng.

Tuy nhiên, qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ nhận định: Cả 3 dự án này tính đến nay, đều không đạt hiệu quả về đầu tư. Sau khi thực hiện xong dự án, các nhà máy đi vào hoạt động đều thua lỗ lớn và hầu như không vận hành thương mại.

"Toàn bộ vốn đầu tư vào 3 dự án với tổng số tiền đã thanh toán tính đến tháng 11.2014 là 5.401 tỷ đồng chưa có hiệu quả", Thanh tra Chính phủ khẳng định.

Phương án xử lý 3 dự án ethanol này cũng đang được Chính phủ chỉ đạo rốt ráo. Đối với dự án ethanol Phú Thọ đang dở dang, nằm “đắp chiếu”, nguồn tin của VietNamNet cho hay: Khả năng triển khai tiếp dự án này là khá khó khăn. Nhà thầu dự án là Tổng công ty CP xây lắp dầu khí (PVC) cũng có nhiều vấn đề, chưa kể thị trường tiêu thụ sản phẩm còn chưa mấy khởi sắc, giá thành sản xuất cao. Cho nên dự án này đang được cân nhắc phương án phá sản để tránh những thiệt hại tiếp theo.

Dự án ethanol Dung Quất cũng đang có đối tác nước ngoài muốn hợp tác để khôi phục lại sản xuất tại dự án này.

Còn dự án ethanol Bình Phước do PVN không nắm phần vốn kiểm soát, mà là một “ông chủ” nước ngoài, cho nên việc xử lý dự án này khó khăn hơn do phụ thuộc nhiều vào phía đối tác.

Lương Bằng

(VNN)


Đinh La Thăng là mắc xích quyền lực quan trọng đang nằm trong hệ thống để nối kết mạng lưới quyền lực trong và ngoài hệ thống chính quy của Nguyễn Tấn Dũng. Không loại được mắc xích này thì Nguyễn Phú Trọng không thể nào khử được bóng ma Nguyễn Tấn Dũng vẫn đang lởn vởn ở trên đầu Tổng bí và ở khắp mọi nơi...


Sau vụ hốt liền bọn "tứ nhân bang" Thuận, Tiến, Dũng, Đạt và phát lệnh truy nã Trịnh Xuân Thanh, liệu Nguyễn Phú Trọng sẽ nâng cấp chiến dịch từ đập muỗi sang diệt ruồi và cắt cánh Đinh La Thăng?

Bọn tứ nhân bang vừa bị bắt lẫn "nguyên" đồng chí đang bị truy nã đều bị ghép vào tội "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" tại Tổng công ty PVC theo điều 165 bộ luật hình sự.

Khi "vi phạm điều 165 BLHS, cả 5 tên "nguyên" đồng chí này đều là thành phần lãnh đạo của Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PCV). PCV là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam). Đinh La Thăng là xếp sòng của PetroVietnam với các chức vụ Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN (từ 10-2006 đến 8-2011).

Câu hỏi đặt ra là - Đinh La Thăng với vai trò lúc ấy:

- Có gián tiếp chịu trách nhiệm trong việc "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" của PCV không?

- Hơn thế nữa, có trực tiếp dự phần và "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế"?

Khi vụ việc xảy ra, vào tháng 4/2012, trả lời câu hỏi về trách nhiệm của ông Đinh La Thăng trong những sai phạm tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVN) khi làm lãnh đạo, Phó tổng thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh nói: "Trách nhiệm của người đứng đầu là có".

Tuy nhiên, trách nhiệm là có nhưng... triều đình nhà Nguyễn-Tấn đang thịnh, mọi việc phải được cho chìm xuồng. Đinh La Thăng bấy giờ đã trồi lên làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải vào ngày 3/8/2011 bởi đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và quốc hội phê chuẩn.

Trước đó, vào ngày 5 tháng 10 năm 2005, chính Nguyễn Tấn Dũng cũng là người bổ nhiệm Đinh La Thăng vào làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của PetroVietnam. Đây là sân sau với các thương vụ khủng của Dũng và Đinh La Thăng là đàn em thân tín nhất của Nguyễn Tấn Dũng cầm cờ chạy mối. Chính vì vậy mà Thăng vẫn an toàn trên xa lộ Đông Tây trong chiếc xe bộ trưởng Bộ GTVT trước những phong ba bão táp gây ra bởi 3,300 tỷ bốc hơi.

Con đường hoạn lộ của Đinh La Thăng kéo theo con đường thăng tiến của đàn em Vũ Đức Thuận.

Vũ Đức Thuận cùng nằm trong băng đảng với Đinh La Thăng thời Thăng đang vẫy vùng bơi lội ở Sông Đà.

Năm 2009, chủ tịch PetroVietnam Đinh La Thăng kéo đàn em của mình về làm tổng giám đốc PVC.

Sau khi thua lỗ 3,300 tỷ tại PVC, vào tháng 10/2013 - lúc ấy đã trở thành Bộ trưởng, Đinh La Thăng bùa phép cho đàn em hạ cánh an toàn xuống ghế Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Thái Bình. Chưa đầy 2 năm sau, tháng 3/2015 Vũ Đức Thuận về sát nách bên đàn anh bộ trưởng và ngồi vào ghế Chánh Văn phòng của Bộ GTVT.

Khi Thuận về làm TGĐ của PVC vào năm 2009 thì Trịnh Xuân Thanh đã được Đinh La Thăng, xếp sòng của PetroVietnam lúc ấy, bố trí vào chức vụ Phó tổng giám đốc PVC.


Với cặp bài trùng Thanh-Thuận, Đinh La Thăng cùng các đồng chí đồng bọn hoàn tất thương vụ khủng tại PVC: làm bốc hơi 3,300 tỷ đồng vào "túi hư không" của mình - từ ngữ chuyên môn mà đảng bình chuột đặt cho thành quả bốc hơi này cũng như mọi thành quả bốc hơi khác của các đồng chí nhưng không phải đồng bọn là: "thất thoát, gây hậu quả nghiêm trọng".

Nhìn vào xâu chuỗi ruột già nối kết ruột non Nguyễn Tấn Dũng - Đinh La Thăng - Vũ Đức Thuận - Trịnh Xuân Thanh người ta thấy rõ chiến dịch đả muỗi đập ruồi hiện nay của tổng Trọng đang thực hiện theo đúng quy trình: truy nhỏ diệt lớn. Bước đầu là con ruồi Trịnh Xuân Thanh với chuyện nhỏ như con thỏ Biển số xanh, nâng cấp lên "sự cố" 3,300 tỷ bốc hơi. Trịnh Xuân Thanh đào thoát bất ngờ với sự tiếp tay của nhiều thế lực không cùng chiếu với Trọng làm Trọng phải tăng tốc quy trình: bắt ngay Vũ Đức Thuận.

Tuy nhiên, trong "sứ mạng thâu tóm quyền lực" của Ba Đình về tay băng đảng thần phục 100% với Bắc Kinh dưới sự chỉ đạo của Dương Khiết Trì, Nguyễn Phú Trọng sẽ thất bại nếu chỉ dừng lại ở Vũ Đức Thuận - người đã tự ý bước ra khỏi sân chơi quyền lực khi tự chuyển sinh hoạt đảng từ Bộ Giao thông vận tải về sinh hoạt đảng tại Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội vào ngày 6/9/2016.

Do đó, để nâng cấp từ quy trình đả muỗi đập ruồi lên đả ruồi diệt chuột, Nguyễn Phú Trọng phải dàn binh bố trận, lùa các quân "nguyên" đang ôm ấp sổ hưu, mua chuộc thêm các đồng chí còn lửng lơ chưa dứt khoát trở thành đồng bọn để nhắm đến con chuột bự đang ngồi chễm chệ ở Bộ Chính trị và đang là chúa tể thành Hồ. Đó là Đinh La Thăng, đệ tử thân tín của Nguyễn Tấn Dũng đang cùng một hệ thống đàn em chằng chịt vẫn nắm giữ quyền và tiền sau kết quả đấu đá, thương lượng, dung hòa cho chuyến ra đi với lời "hứa" làm người tử tế của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. 

Đinh La Thăng là mắc xích quyền lực quan trọng đang nằm trong hệ thống để nối kết mạng lưới quyền lực trong và ngoài hệ thống chính quy của Nguyễn Tấn Dũng. Không loại được mắc xích này thì Nguyễn Phú Trọng không thể nào khử được bóng ma Nguyễn Tấn Dũng vẫn đang lởn vởn ở trên đầu Tổng bí và ở khắp mọi nơi.

Vũ Đông Hà

(Thời Đại Online)

Không có nhận xét nào: