Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

Thanh tra Chính phủ phát hiện các sai phạm kinh tế hơn 100 ngàn tỷ; Công ty con của Viettel lỗ hơn 3.000 tỷ đồng, nợ 22.000 tỷ VND; Thanh Hóa cảm ơn FLC hay FLC phải cảm ơn Thanh Hóa?

Thanh tra Chính phủ phát hiện các sai phạm kinh tế hơn 100 ngàn tỷ

(VNF) - Sáng 25/4, tại Hà Nội, đoàn giám sát của MTTQ Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân làm trưởng đoàn đã thực hiện giám sát việc công khai kết luận thanh tra tại Thanh tra Chính phủ (TTCP).

Hơn 100 ngàn tỷ, hơn 4 ngàn ha đất

Theo số liệu báo cáo năm 2016 và quý I/2017 của TTCP, toàn ngành đã triển khai 8.471 cuộc thanh tra hành chính và 289.172 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện vi phạm về kinh tế 101.224 tỷ đồng, 4.168 ha đất.
Cơ quan này đã kiến nghị thu hồi 46.730 tỷ đồng, 1.347 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 54.495 tỷ đồng, 2.823 ha đất; ban hành 189.225 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 12.395 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.022 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 111 vụ việc, 185 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.
Thanh tra Chính phủ cũng đã tiến hành 60 cuộc thanh tra, tập trung vào công tác quản lý Nhà nước của các bộ, ngành; công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng của địa phương; việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý và sử dụng vốn, tài sản của các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước và thanh tra trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.
Kết quả 24 cuộc thanh tra đã ban hành kết luận, phát hiện vi phạm số tiền 11.095 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 5.001 tỷ đồng; kiến nghị, xử lý khác 6.094 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý 5 vụ, 40 đối tượng. TTCP kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến nội dung thanh tra.

Tiếp gần nửa triệu lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo

Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã tiếp 447.657 lượt công dân với 247.964 vụ việc; có 5.989 đoàn đông người; xử lý 202.277 đơn đủ điều kiện trong tổng số 306.940 đơn đã tiếp nhận, trong đó có 67.730 đơn khiếu nại, 19.013 đơn tố cáo; đã giải quyết 27.990/35.078 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 80%.
Trong đó, TTCP đã xử lý 14.226 đơn trong tổng số 16.996 đơn đã tiếp nhận. Qua xử lý đơn, đã phát hành 3.573 văn bản hướng dẫn công dân khiếu nại và 908 văn bản chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết; 147 văn bản chuyển trả lại đơn cho cơ quan chuyển đơn đến TTCP không đúng thẩm quyền; kết luận và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả giải quyết 61 vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao.
Thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân 76,1 tỷ đồng, 44 ha đất; trả lại quyền lợi cho 1.692 người, kiến nghị xử lý hành chính 541 người.
Tính đến tháng 3/2017, TTCP ban hành 24 kết luận thanh tra, kiểm tra. Đơn vị này cũng đã công bố tại cuộc họp, đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) của TTCP 19/24 thông báo kết luận thanh tra.
Phát biểu tại buổi giám sát, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, trong thời gian tới cần đánh giá trong hệ thống thanh tra và chính quyền các cấp việc thực hiện, tỷ lệ và các hình thức công khai để từ đó đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công bố công khai kết luận thanh tra.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế, chế tài hướng dẫn việc thực hiện công khai các kết luận thanh tra. Đồng thời, nghiên cứu làm rõ trách nhiệm pháp lý của người ra quyết định thanh tra và người ký kết luận thanh tra.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, khi tổng kết Luật Thanh tra 2010, sửa đổi Luật Thanh tra trong thời gian tới, TTCP cần quan tâm đồng bộ với Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Tổ chức Chính phủ và những quy định liên quan đến bí mật Nhà nước. Mặt trận cũng sẽ phối hợp với TTCP qua việc đóng góp ý kiến khi sửa Luật Thanh tra trong thời gian tới.

Cụ thể hóa quy định với kết quả "nhạy cảm"

Đối với những trường hợp nhạy cảm, bí mật khi công bố kết luận thanh tra, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị phải cụ thể hóa và có quy định cụ thể đối với một số lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán.
Việc quy định các trường hợp nhạy cảm, bí mật phải xác định cụ thể cấp nào ra được quy định, tránh sự tùy tiện. Ngoài ra, các ngành, địa phương nào có danh mục bí mật phải công bố để việc thanh tra được chủ động.
Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp với TTCP từng bước làm tốt việc công khai hóa kết quả thanh tra, tiến tới đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra.
Theo đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tiến hành giám sát tại 5 bộ và địa phương nhằm bước đầu đánh giá đúng thực trạng việc thực hiện công khai kết luận thanh tra.
Căn cứ kết quả giám sát, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ kiến nghị, đề xuất những vấn đề nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật về việc thực hiện công khai kết luận thanh tra nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn để MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các thành viên của Mặt trận, nhân dân, các cơ quan truyền thông có thể tiếp cận đầy đủ thông tin phục vụ quá trình giám sát thanh tra và việc thực hiện kết luận thanh tra của các cơ quan Nhà nước.
YẾN THANH

Công ty con của Viettel lỗ hơn 3.000 tỷ đồng

XHTT 
Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global), công ty con của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), vừa báo lỗ 3.475 tỷ, nợ 22.000 tỷ đồng sau hơn một thập kỷ mang chuông đi đánh xứ người.
Viettel Global vừa công khai báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh năm 2016 và kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017. Theo báo cáo, năm 2016, công ty này đã cung cấp dịch vụ tới 24 triệu thuê bao, với doanh thu cộng ngang đạt 1,041 tỷ USD (khoảng 23.700 tỷ đồng), nhưng vẫn không đạt kế hoạch đề ra.
Cụ thể, lỗ trước thuế của Viettel Global lên tới 139,28 triệu USD (3.170 tỷ đồng). Theo hãng kiểm toán Deloitte, lỗ sau thuế của Viettel Global đạt 3.475 tỷ đồng.
Năm 2016, Viettel Global báo lỗ 3.475 tỷ, nợ 22.000 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2016, tổng tài sản của Viettel Global đạt 46.826 tỷ đồng nhưng nợ phải trả lên tới 28.491 tỷ, trong đó nợ vay là 21.099 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp giảm xuống chỉ còn 18.335 tỷ. Đến nay Viettel Global vẫn chưa công bố chi tiết báo cáo tài chính năm 2016.
Lãnh đạo doanh nghiệp này lý giải doanh thu giảm mạnh 21% so với cùng kỳ và chỉ đạt 70% so với kế hoạch là do một số thị trường châu Phi bị ảnh hưởng của biến động tỷ giá khi quy đổi doanh thu từ đồng nội tệ sang USD như Mozambique biến động 58% dẫn đến chênh lệch tỷ giá tăng 104% so với năm 2015, Burundi chênh lệch tỷ giá tăng 28% so với năm 2015.
“Tuy nhiên, tính theo đồng nội tệ của các nước thì doanh thu tại thị trường châu Phi vẫn tăng, như Tanzania tăng 1.343%, Cameroon tăng 43%, Burundi tăng 42%, Movitel tăng 7%, Natcom tăng 6%”, báo cáo nêu rõ.
Ngoài ra, còn do một số thị trường gặp thiên tai như bão, lũ lụt. “Năm 2016 một số thị trường bị thiên tai như siêu bão Matthew tại Natcom gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của thị trường”, báo cáo dẫn chứng.
Một lý do nữa lãnh đạo Viettel Global đưa ra là việc doanh nghiệp đang đầu tư mạng 4G theo xu hướng công nghệ hiện tại và đẩy mạnh vào các thị trường quy mô lớn như Tanzania, Cameroon, do đó doanh thu chưa đủ bù chi phí.
Viettel Global cũng thừa nhận công ty đang gặp vấn đề về nhân sự, thiếu các chuyên gia giỏi, trình độ chuyên môn cao, nhân sự yếu kém về ngoại ngữ, thiếu kinh nghiệm xử lý các tình huống tại môi trường có văn hóa, chính trị, pháp luật hoàn toàn khác so với Việt Nam.
Hơn nữa, các thị trường công ty đã đầu tư đang phải đối mặt với nhiều đối thủ lớn như Orange, MTN, Movistar, Claro, Digicel, Axiata… Đây là các nhà mạng có thương hiệu và đã khai thác nhiều năm, tiềm lực kinh tế mạnh.
Xu thế sử dụng các dịch vụ OTT như Viber, WhatsApp, Facebook... đã khiến cho doanh thu các dịch vụ truyền thống như điện thoại, nhắn tin ngày càng giảm.
Tuy vậy, trong năm nay, Viettel Global vẫn đặt kế hoạch doanh thu là 1,339 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2016. Công ty cũng đặt mục tiêu thoát lỗ với kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 5 triệu USD.
Vào năm 2006, Viettel quyết định mở rộng kinh doanh ra nước ngoài với mục tiêu tìm kiếm thị trường tiềm năng. Khi đó, Viettel Global được thành lập với sứ mệnh trở thành tập đoàn viễn thông lớn mạnh tầm quốc tế. Đây là một trong những công ty có lượng vốn đầu tư ra nước ngoài lớn nhất Việt Nam.
Hiện Viettel Global đã có trụ sở và khai thác dịch vụ viễn thông tại nhiều nước như Campuchia, Lào, Đông Timor, Haiti, Mozambique, Cameroon, Burundi, Tanzania, Myanmar.
(Theo Tamnhin.net.vn)

Thanh Hóa cảm ơn FLC hay FLC phải cảm ơn Thanh Hóa?

LĐ - 93 XUÂN HÙNG

Đường Hồ Xuân Hương được đầu tư bằng vốn ngân sách đã làm đổi mới diện mạo Sầm Sơn. Ảnh: X.H
Ngày 22.4.2017 Sầm Sơn chính thức được công nhận là thành phố du lịch. Đó là ngày trọng đại, đó là thành quả phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa nói chung và Sầm Sơn nói riêng trong suốt chặng đường dài. Hàng nghìn tỉ đồng từ vốn vay, từ ngân sách tỉnh đã đầu tư chứ không phải “nhờ có FLC”.
Câu nói: “Sầm Sơn có được ngày hôm nay là nhờ có Tập đoàn FLC” được không ít người cố tình hoặc vô tình nói ra trên nhiều diễn đàn. Mới đây, ngày 8.4, tại hội nghị do Tập đoàn FLC tổ chức tại Sầm Sơn, ông Ngô Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa với tất cả sự chân thành, nói: “Lãnh đạo Thanh Hóa xin cảm ơn Tập đoàn FLC” và cho rằng, nhờ có Tập đoàn FLC mà Sầm Sơn mới có ngày hôm nay.
Thực tế phải ghi nhận, với việc đầu tư hơn 5.500 tỉ đồng vào khu đô thị du lịch Sầm Sơn, Tập đoàn FLC đã biến vùng đất hoang vu, bãi nuôi tôm sình lầy thành khu đô thị hiện đại, đẳng cấp. Khu đô thị này trở thành điểm nhấn quan trọng trong việc tạo diện mạo hoàn toàn mới cho đô thị du lịch biển Sầm Sơn.
Tuy nhiên, để có được một Sầm Sơn như ngày hôm nay, một thực tế khác là nhiều nghìn tỉ đồng từ ngân sách tỉnh, từ vốn vay trái phiếu chính phủ, vốn vay Kho bạc Nhà nước đã và đang đổ vào đầu tư vì một Sầm Sơn hiện đại, văn minh.
Công trình cải tạo, nâng cấp đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn đoạn từ chân núi Trường Lệ đến Vạn Chài resort được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 4525/QĐ-UBND duyệt dự án với tổng mức đầu tư 455, 665 tỉ đồng ngày 2.11.2015.
Dự án đường Trần Nhân Tông, đoạn từ cuối giai đoạn 1 đại lộ Nam Sông Mã đến đường Nguyễn Du. Theo QĐ số 3998/QĐ-UBND ngày 12.10.2015, tổng mức đầu tư dự án này là trên 126,2 tỉ đồng. Nguồn vốn ngân sách tỉnh. Sau 2 lần điều chỉnh bằng QĐ số 1004 QĐ-UBND ngày 22.3.2016 và QĐ 3367/QĐ-UBND ngày 5.9.2016, tổng mức đầu tư vẫn là 126,2 tỉ đồng, tuy nhiên tăng phần vốn xây lắp và giảm chi phí dự phòng từ 12,21 tỉ đồng xuống còn 2,72 tỉ đồng.
Dự án đại lộ Nam Sông Mã giai đoạn 1 từ nút giao Nam Ngạn đến điểm nối vào đường vành đai phía tây thị xã Sầm Sơn (đường Trần Nhân Tông) với chiều dài toàn tuyến 14,55km có tổng vốn ban đầu (QĐ số 2253/QĐ-UBND ngày 18.8.2008 là trên 703,3 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn trái phiếu chính phủ là 620 tỉ đồng, vốn khai thác quỹ đất và các nguồn khác là 83,3 tỉ đồng.
Ngày 22.3.2016, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký QĐ số 998 phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 1.008,1 tỉ đồng, nguồn vốn vẫn chủ yếu là trái phiếu chính phủ và vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu. Cũng như các dự án khác, dự án này cũng nhiều lần điều chỉnh tổng mức đầu tư, chủ yếu điều chỉnh tăng hạng mục xây dựng, giảm mục chi phí dự phòng.
Dự án đại lộ từ ngã ba Voi đi Sầm Sơn được phê duyệt lần đầu ngày 17.9.2009 theo QĐ số 3159/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Tổng mức đầu tư ban đầu là 1.518,7 tỉ đồng. Trong đó, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 757,76 tỉ đồng. Nguồn vốn ngân sách tỉnh và chủ yếu vốn vay, tạm ứng Kho bạc Nhà nước. Ngày 7.1.2016, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa điều chỉnh tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự án này lên 871,68 tỉ đồng.
Trước đó, năm 2012, Thanh Hóa đã hoàn thành đưa vào sử dụng dự án 1 nâng cấp quốc lộ 47, đoạn Km0 - Km15 (thị xã Sầm Sơn - TP. Thanh Hóa) với tổng mức đầu tư 923 tỉ đồng (điểm đầu giao với đường Nguyễn Du, thị xã Sầm Sơn; điểm cuối giao với đường Đào Duy Từ, TP. Thanh Hóa).
Mới đây, ngày 9.1.2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành QĐ số 79/QĐ-UBND phê duyệt quyết định đầu tư xây dựng đường nối thị xã Sầm Sơn với Khu kinh tế Nghi Sơn (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư 1.479,7 tỉ đồng. Trong đó vốn trái phiếu chính phủ là 1.300 tỉ đồng, còn lại là ngân sách tỉnh.
Như vậy, ít nhất hơn 4.000 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh, từ trái phiếu chính phủ, từ vay Kho bạc Nhà nước và từ tiền bán đất đã và đang được đầu tư cho Sầm Sơn. Từng đồng tiền trong số lớn đó đều có công sức, mồ hôi, sự vất cả của nhân dân Thanh Hóa hiện nay và con cháu sau này. Trong con số lớn đó, Tập đoàn FLC không tham gia bất kỳ hạng mục nào. Tập đoàn này chỉ đầu tư các công trình bất động sản của mình và một số hạng mục kios theo hình thức BOT thu tiền dịch vụ bãi biển.
Như vậy thì Thanh Hóa cảm ơn FLC thì FLC cũng phải cảm ơn nhân dân Thanh Hóa. Nếu không có hàng nghìn tỉ đồng đầu tư hạ tầng thì dự án của FLC có thực sự thành công? Chưa kể, nhiều công trình khác như đường từ cổng Vạn Chài đi vào khu đô thị du lịch FLC, dự án kè biển… mà tập đoàn này đang sử dụng cũng bắt đầu từ ngân sách...

[QC] Đăng tin tuyển dụng, tìm việc làm nhanh, uy tín tại trang Việc Làm Báo Lao Động.

Không có nhận xét nào: